Blogger news

ads

Học thuyết kiến tạo, nón trải nghiệm, bốn hoàn cảnh tạo tri thức

Lâu rồi không viết cái gì có "tính học thuật". Hôm nay ngồi tổng kết lại mấy điều cơ bản sau khi ngâm cứu Constructivism. Share lại với mọi người.

Các tìm kiếm liên quan đến Học thuyết kiến tạo
lý thuyết kiến tạo trong dạy học toán
ví dụ về dạy học kiến tạo
phương pháp dạy học kiến tạo là gì
thuyết kiến tạo mảng
bản chất của dạy học kiến tạo
phương pháp dạy học kiến tạo ở tiểu học
hướng dẫn học tập kiến tạo
thuyết dạy học

 Mình nghĩ là sẽ không có nhiều người  nghe đến "Học thuyết kiến tạo" ( Constructivism ) bởi đây chưa phải là khái niệm được đề cập đến nhiều ở Việt nam. Tuy nhiên có một cụm từ dây mơ rễ má đến nó là lấy người học làm trung tâm ( Leaner-centered Learning hay Student-centered Learning ) thì chắc mọi người cảm thấy quen thuộc vì nó là từ ngữ khá hot được nhắc đến nhiều trong các phương tiện truyền thông khi những vấn đề cải cách giáo dục được đặt ra trong thời gian gần đây.


Trên tinh thần "học từ gốc rễ, hiểu từ nguyên lý" thì để hiểu tại sao lại lấy người học làm trung được xem là quan điểm giáo dục tiên tiến thì  chúng ta cần truy hồi về nguồn gốc hình thành nên quan điểm này ở mức độ bao quát rộng lớn hơn là "Học thuyết kiến tạo" được khởi xướng bởi nhà tâm lý học Piaget.  


Bản thân Constructivism không phải là một cách học, mà nó là lý thuyết về cách học, là đường lối cơ bản cung cấp  những nguyên lý để từ nó sẽ giúp cho việc xây dựng một cách học thế nào cho hợp lý nhất.


Hai trường phái


Thường thì Constructivism sẽ được đặt bên cạnh Instructivism như là hai trường phái khác nhau trong giáo dục. Một là những gì chúng ta đã thấy trong mô hình học tập truyền thống ( Instructivism -trường phái chỉ thị ) và cái còn lại đại diện cho trào lưu mới ( Constructivism- Trường phái kiến tạo ).


Nói về truyền thống thì như tất cả những gì chúng ta đã biết và đã được thụ hưởng nền giáo dục từ trươc đến nay trên ghế nhà trường ở Việt Nam: thày cô lên bảng giảng bài, trò ngồi nghe rồi chép etc..đó chính là Instructivism ( có tính chỉ thị, một chiều ) Sở dĩ có tình trạng này là vì khi đó tri thức được xem như những hòn đá, còn người học như những cái giỏ. Việc của người thầy là đổ đầy  giỏ những hòn đá tri thức. Người được xem là học giỏi là người có nhiều đá trong giỏ, thầy cô nào dạy giỏi là người nhét được nhiều đá vào giỏ, tri thức ( các viên đá ) được xem là giống nhau nên cùng 1 loại đá sẽ được nhét vào các loại giỏ khác  nhau, cùng một nội dung và cách giảng dạy áp dụng cho hết tất cả mọi học sinh. Tuy nhiên sai lầm ở chỗ các viên đá chỉ là thông tin và dữ liệu chứ không phải tri thức, người học thì rất thụ động nó dẫn tới một hệ quả là những tri thức mà người học tiếp thu được rất hời hợt và không có chiều sâu, đa phần học xong lại không dùng cái mà mình học được để áp dụng vào cuộc sống công việc, học được một thời gian sau bị hỏi lại coi như không biết gì.


Kèm theo đó là một hệ thống đánh giá con người rất lệch lạc, bề ngoài có vẻ công bằng vì mọi người cùng thi một đề thi giống nhau nhưng thực ra lại là một hệ thống giáo dục bất công, vì như Einstein có nói “Tất cả mọi người đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình thật là ngu ngốc”. Trong hệ thống giáo dục Instructivism thì người học giỏi là  Good Recipient còn trong hệ thống giáo dục Constructivism thì người học giỏi là Good Constructor. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ ràng là vì đi theo 2 chiều hướng khác nhau nên một Good Recipient có thể là một Bad Constructor ngược lại một Good Constructor có thể là một Bad Recipient. Khi đó thang đánh giá năng lực sẽ bị đảo lộn. Người có chân tài thực học giàu tính sáng tạo lại không được xem trọng bằng những người giỏi bắt chước. Có rất nhiều nhân tài của nước Việt Nam đã bị hệ thống giáo dục ngu ngốc của hủy hoại làm lãng phí tài năng của họ vì cái hệ thống giáo dục đã đánh giá một con cá giống như đánh giá về con khỉ, cho rằng nó không biết leo cây là vì nó dốt. Không biết có bạn nào đọc bài này là một trong những nạn nhân như thế không?  

Ở cấp độ xã hội một khi nền giáo dục theo đuổi Instructivism tất sẽ dẫn đến một xã hội "hư học".  Bởi vì học theo lối chỉ thị dạy bảo nên người thày luôn được lấy làm chuẩn, được coi là sự mẫu mực, trò không thể giỏi hơn thày ( ví dụ như nhà Nho hễ mở miệng là nói Khổng tử dạy, Mạnh tử dạy...Cứ có việc gì cũng lấy Nghiêu lấy Thuấn soi rọi ) nên càng ngày hệ thống giáo dục Instructivism càng suy thoái vì lớp sau không bằng được lớp trước, trong khi đó hệ thống Constructivism đòi hỏi người học phải luôn kiến tạo cái mới nên năng lực và biên độ tri thức ngày càng được mở rộng, suy ngĩ được đào sâu tạo ra nhiều cái thiết thực. Đó chính là "thực học".


Đầu thế kỷ 20 để đả phá cái nền hư học Nho giáo mà các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đã đại náo trường thi, thức tỉnh tinh thần nho sĩ bỏ cái "hư học" để theo cái "thực học" bằng bài thơ "Chí Thành Thông Thánh" có 2 câu chế diễu Instructivism Khổng giáo:   

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ, Bát cổ văn chương tuý mộng trung

( Cường quyền giậm đạp mái đầu, văn chương tám vế say câu mơ màng ).

Thời xa xưa Instructivism nó có thể tỏ ra hiệu quả vì lượng kiến thức và thông tin còn ít, còn đến thời đại khi lượng thông tin bùng nổ với độ phức tạp cao hơn rất nhiều lần nó đã càng ngày càng tỏ ra yếu kém và bất lực trong việc tạo ra con người làm chủ tri thức. Theo đà tiến lên của xã hội tất nhiên cái mới sẽ phải xuất hiện để thế cái cũ lạc hậu và Constructivism đã ra đời. 


Ý tưởng hạt nhân của Constructivism là xem tri thức là tương đối, nó không có tính bất biến giống nhau ở tất cả mọi người ( Mental Representations are subjective ) . Tri thức là những mô hình chủ quan ( Subjective Representations) của con người về thế giới thực ( Objective Reality ),  vì thế kiến thức sẽ được tạo dựng tương tự như việc con người xây dựng mô hình về thế giới trong đầu óc mình chứ không phải là không phải là việc đưa thông tin vào trong bộ não  như nhét đá vào trong giỏ. Một đằng là Constructing còn một đằng là Acquiring, sự khác nhau giữa Constructivism và Instructivism giống như một bên tự nuôi trồng để tạo ra thực phẩm, chủ động được nguồn cung tri thức, còn một bên chỉ đi săn bắt hái lượm những cái có sẵn từ môi trường bên ngoài, sản lượng tri thức tạo ra rất bấp bênh. Tri thức phải là tools (công cụ ), mỗi người sẽ phải dùng những cộng cụ có sẵn ( tri thức từ trước )  tự đẽo lấy cho mình những cái rìu, những ngọn giáo từ những viên đá mà họ nhặt trên đường hay là được giáo viên đưa cho. Mỗi cái rìu và ngọn giáo của họ sẽ khác nhau dù có thể họ được đưa cho những viên đá giống nhau.  Sự tinh xảo và hữu dụng của những công cụ này mới chính là thước đo cuối cùng cho năng lực của người học. Và yếu tố then chốt, bản chất của việc học không có gì khác là sự trải nghiệm ( Experiences )

Hai loại hình kiến tạo

Có 2 loại kiến tạo đó là Kiến tạo cơ bản ( Radical Constructivism ) và  Kiến tạo xã hội ( Socical Constructivism )

Loại thứ nhất là "Kiến tạo cơ bản" còn có một tên gọi khác là kiến tạo nội sinh được Piaget đặt nền móng, ông mô tả rằng tri thức là sản phẩm của hoạt động tạo ra bởi chủ thể  thông qua trải nghiệm cá nhân. Tri thức mới bao giờ cũng được hình thành từ tri thức cũ. Mô hình mới ( tri thức mới ) sẽ được xây dựng dựa trên  mô hình cũ và  các vật liệu cũ đã có sẵn ( tri thức cũ ) theo chu trình :

Tri thức đã có--> Phán đoán-->Kiểm nghiệm--> ( Thất bại )--> Thích nghi --> Tri thức mới.
Tính nội sinh thể hiện ở chỗ dùng cái vốn có sẵn của mình ( tri thức cũ ) để chế tạo ra tri thức mới. Người học chính là người chủ sở hữu của tri thức ( Knowledge Owner ). Chính vì là thứ do mình tạo ra, do mình làm chủ nên có thể dễ dàng vận dụng nó vào cuộc sống và công việc, hoàn toàn khác với thứ đá được người ta nhét vào tay mình, một thời gian giỏ nặng quá tất nhiên phải vứt nó đi chứ không thì quá tải chết. Và mình là người chủ, là người tạo ra tri thức ( đồng thời cũng là công cụ ) nên mình sẽ chọn để tạo ra cái gì cần cho mình, phù hợp với mình nhất chứ không học những thứ vô bổ chẳng giúp ích gì cho bản thân trong việc sản xuất ra của cải vật chất tinh thần.

Loại thứ hai  là "Kiến tạo xã hội" hay còn gọi là kiến tạo ngoại sinh được Vygostky phát triển, ông cho rằng việc học của con người không chỉ dừng lại ở "Kiến tạo cơ bản" mà đồng thời còn được  "kiến tạo" thông qua sự tương tác, tranh luận, trao đổi trong cộng đồng. Thực ra thì đây cũng là một loại trải nghiệm ở mức độ khác, chúng ta có thể nhận thấy là tri thức dù mang tính tương đối song vẫn có "yếu tố tuyệt đối", mỗi người sẽ có một mô hình về thế giới cho riêng mình, tuy nhiên vì con người không hoạt động trong trạng thái cô lập mà hoạt động trong sự tương tác với xã hội và tự nhiên, cái mô hình về thế giới ( tri thức ) mà mỗi người tự xây dưng chính là công cụ, là cái màn hình để quan sát thế giới đó nên đòi hỏi cái mô hình ấy phải có sự tương thích với thế giới.

Việc này có thể lấy ví dụ minh họa về hai con dê đi qua cái cầu: muốn tránh nhau thì phải có sự thỏa thuận là chàng dê đen phải đi bên phải và nàng dê trắng phải đi bên trái, tuy nhiên hai anh chị phải có sự thống nhất thế nào là bên phải thế nào là bên trái ( tức là cái mô hình khái niệm về phải và trái của anh chị nó phải giống nhau, tương thích với nhau ). Không thống nhất được thì tất sẽ phải húc nhau mà rơi tõm xuống sông. Tính khách quan của tri thức chính là nằm ở sự tương thích đó.Có những chuẩn tương thích phổ biến cho mọi đối tượng chứ không phải chỉ cho hai anh chị dê. Tri thức khách quan giống như chuẩn giao diện USB, cứ chế tạo thiết bị có cái cổng đó thì hai thiết bị nào cũng có thể giao tiếp với nhau được, dù là là chuột hay bàn phím, máy in hay máy fax đều có thể kết nối vào máy tính.


Kiến tạo xã hội chính là nhấn mạnh vào mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ thể học và môi trường bên ngoài, các yếu tố văn hóa, điều kiện xã hội và sự tác động của các yếu tố đó đến sự hình thành tri thức. Kết quả của kiến tạo xã hội ở tầm cao nhất chính là sự hình thành hệ thống tri thức khoa học mà con người xây dựng nên và được xã hội thừa nhận. Nhưng ngay cả hệ thống ấy cũng không phải là cái gì bất biến, mà nó chỉ là một mô hình nhận thức trong chuỗi các nấc thang nhận thức của con người, và càng ngày càng được thay thể bởi một mô hình có khả năng quan sát thế giới ở mức độ bao quát hơn, rộng lớn hơn và sâu sắc hơn. Ví dụ cơ học tương đối tính của Einstein ( ở các thang đo cực lớn cấp độ hành tinh, thiên hà) và cơ học lượng tử ( ở các thang đo cực nhỏ cấp độ hạ nguyên tử ) ra đời là mô hình mới bổ sung mô hình cơ học cổ điển của Newton ( ở thang đô thông thường ) làm hình dung của con người ở về thế giới ở thế kỷ 20,21 khác nhiều so với thế kỷ 17, 18.

Kiến tạo cơ bản đề cao vai trò cá nhân, tính chủ động tích cực của cá nhân, còn kiến tạo xã hội đề cao tính tương tác xã hội và việc khai thác các điều kiện xã hội trong việc sản xuất ra tri thức.

Nón trải nghiệm

Từ cái view trên cơ sở nguyên lý này có nhiều nghiên cứu khác đã ra đời theo nó. Một trong số đó là nón trải nghiệm Dale được lấy tên theo tên của chính người "kiến tạo" ra nó là  Edgar Dale. Dale dùng cái nón để minh họa cho tính liên tục của trải nghiệm  được phân bổ theo mức độ hiệu quả giáo dục là khác nhau.



Về cái nón này thì cũng có nhiều version, thực ra vẫn là nó thôi nhưng người ta "kiến tạo" khác nhau cho các mục đích khác nhau nên thành ra sẽ có nhiều version. Theo mỗi version thì sự phân chia của các vùng trải nghiệm cũng không cố định cứng nhắc, đó chính là bản chất linh hoạt của kiến tạo. Các bạn có thể xem trong mấy cái nón ở dưới cái nào giống nón lá Việt Nam nhất nhỉ? :D

Sự trải nghiệm của người học cũng rất khác biệt, mỗi loại trải nghiệm sẽ được tạo ra từ một "môi trường học liệu" ( materials ) khác nhau và đạt được hiệu quả giáo dục theo nhiều mức độ không hề giống nhau.

Như cái nón này thì chúng ta có thể thấy các loại học liệu như Verbal Symbols ( các tín hiệu, biểu tượng  âm thanh ) hay Visual Symbols ( các tín hiệu, biểu tượng trực quan ) hay các loại học liệu mang tính tích hợp như Motion Picutures ( ảnh động ), Television ( ti vi ), hay Exhibits, Demonstration ( các môi trường giả lập hoặc môi trường thực ) cung cấp các dung lượng trải nghiệm với độ lớn khác nhau.


Cụ thể ở đây ta có thể thấy được về mặt định lượng thông tin và tri thức mà chúng ta thu thập được từ các loại học liệu khác nhau này:

Cái này nhìn cũng như tháp nhu cầu của Maslow mà chẳng hiểu sao một anh thì gọi là nón, một anh thì gọi là tháp. Đúng là kiến tạo khác nhau nó phải thế :D . Theo mình thì tháp Maslow gọi là tháp vì càng lên ở tầng cao thì chất nó càng cao, còn cái này là nón vì nó ngược lại. Xin giải thích cụ thể dưới đây:

 

Càng ở vùng trên đỉnh nón thì hoạt động học tập càng nghèo tính trải nghiệm như chỉ đọc, nghe , xem các hình tĩnh sẽ chỉ giúp người học đạt được các cấp độ thấp của trí năng như :

Define ( định nghĩa ),  List ( liệt kê ),  Describe ( mô tả) và Explain ( Giải thích ) 

Còn các hoạt động giàu tính trải nghiệm như tham gia các tình huống bài học cộng tác trong lớp, trực tiếp thực hành, tham gia tình huống giả lập thực tiễn, nhập vai etc.. sẽ giúp người học đạt được tới cấp độ cao hơn của trí năng là:

Demonstrate ( minh họa ), Apply ( Ứng dụng ) , Practice ( thực hành ) hay Analyze ( phân tích ), Define ( định nghĩa sâu ), Create ( tạo lập ) và Evaluate đánh giá về chính sản phẩm tri thức của mình --> tạo ra Meta knowledge ( Siêu tri thức, tri thức vê tri thức ). 

Ngoài ra thì điều quan trọng nữa mà chúng ta có thể thấy được từ cái nón này là các con số % cho biết chúng ta nhớ gì và quên gì, cái gì là kiến thức chui vào đầu còn cái gì sẽ trôi tuột đi mất. Rõ ràng là độ hấp dẫn của các trải nghiệm sẽ làm chúng ta cảm thấy thoải mái hơn trong việc tiếp cận tri thức, tri thức nó dễ vào đầu hơn, chung thủy với chúng ta hơn. Trải nghiệm càng kém hấp dẫn thì tri thức nó càng bạc tình, sớm đội nón ( không phải nón trải nghiệm ) mà ra đi.

Như vậy muốn học được nhiều kiến thức thì càng cần phải nhúng mình vào các môi trường giàu tính trải nghiệm, càng học ở đời thực càng tốt.  Điều này lý giải được một thực tế là tại sao có những người không hề được học cao nhưng họ lại rất thành công, ở đây là thành công bằng kiến thức, trí tuệ  chứ không phải bằng cái gì khác. Có thể đặt ra các câu hỏi như :"Tại sao chức vô địch phát minh với 1093 bằng sáng chế phát minh lại do Edison một người không hề được học hành đào tạo bài bản nắm giữ, tại sao nông dân sáng chế ra máy nọ máy kia mà không thấy các kỹ sư, giáo sư tiến sĩ có sản phẩm trình làng?"

Là bởi vì các môi trường Academic chưa phải là môi trường giàu tính trải nghiệm sáng tạo nhất cho năng lực học tập và phát huy vận dụng kiến thức của con người.  Có những môi trường khác còn "ưu việt" hơn môi trường đó, nên ngay cả khi bạn có tốt nghiệp các trường top của thế giới như Hardvard, Cambridge, Sorbone, Todai... thì cũng khoan tự hào vội. Những người như Bill Gate, Steve Job hay Mark Zuckerbeg thực tế là họ đã bỏ học, và đó cũng là vì họ phát hiện ra rằng có những môi trường trải nghiệm sáng tạo hơn cho họ so với cái trường danh tiếng mà họ đang học. Hầu hết những người quyết định vận mệnh thế giới này đều trưởng thành từ môi trường thực tế của cuộc sống với muôn ngàn màu sắc giàu có hơn nhiều so với những gì các trường đại học có thể cung cấp.

Nón trải nghiệm phương đông

Tuy Constructivism ra đời từ thế kỷ 19 nhưng không có nghĩa là phải đến tận lúc đó con người mới thực hành "kiến tạo tri thức" mà nhiều cá nhân đều đã sử dụng nó trong suốt lịch sử phát triển của loài người. Và những người làm nên lịch sử đều đã "kiến tạo tri thức" theo cách của riêng mình.  Chỉ là đến sau khi thuyết này ra đời thì nó được xây dựng một cách hệ thống với phương pháp luận đầy đủ, chặt chẽ và logic hơn., có tính chất kim chỉ nam và trở thành Methodology ( phương pháp luận ) học tập.

Từ nãy đến giờ nói mỏi mồm toàn thấy chữ Tây, kiến thức của mấy ông Tây thôi nhưng thực ra ở phương đông các cụ xưa cũng đã đúc kết ra mấy môi trường trải nghiệm đem lại tri thức cho con người cũng chuẩn như trái nghiệm đó là "Học nhi tri, Hành nhi tri, Du nhi tri, Khốn nhi tri".

Học nhi tri: Cái này thì đã quá quen rồi, chính là đường lối Instructivism biết rồi khổ lắm nói mãi, đại đa số mọi người có tri thức qua con đường này, cái gì mang tính phổ thông thì nó cũng không có gì là đặc sắc cả.

Hành nhi tri: Vừa học vừa làm, học đi đôi với hành, extract ( rút tỉa ) tri thức qua các tình huống thực hành hoặc làm thật. Có làm mới hiểu và đạt đến độ thành thạo.

Du nhi tri: Học thông qua việc chơi, chơi có thể là tham gia trò chơi hoặc đi lang thang khắp nơi, kiểu đi một ngày đàng học một sàng khôn . Chúng ta đi du lịch tham thú đây đó các nơi thì cũng học được khối điều về phong tục tập quán, văn hóa, con người địa phương nơi ta đến. Hoặc ta đi tham quan nhà máy, xí nghiệp công trường cũng là một cách chơi mà học, có trải nghiệm thú vị mà kiến thức vẫn thu về đầy túi . Tiếng Nhật có từ Kiến học-Kengaku (見学 ) mô tả rất đúng điều này.


Khốn nhi tri: Cái này mới thực sự là cái đáng nói này. Tri thức có được qua việc trải nghiệm các khó khăn, các hoàn cảnh nguy khốn. Không phải vô cớ mà người  ta nói câu " Adversity is a great teacher" ( nghịch cảnh là một ông thầy lớn ). Cả Đông và Tây rõ ràng là đều gặp nhau ở đây. Và sự hội tụ của quan điểm này đã chỉ ra một điều đó là tri thức được tạo ra từ các trải nghiệm lúc khó khăn mới thực sự đánh thức được tiềm năng của con người ( cái khó ló cái khôn ) buộc con người phải chủ động dốc hết mọi lực lương trí tuệ tìm con đường sống, tri thức sinh ra từ trí tuệ đó là tri thức phi thường. Có thể ra đây một ví dụ tiêu biểu cho loại tri thức này. 

Có một thành ngữ rất nổi tiếng ở Trung Quốc là "Phá phủ trầm chu" ( đập nồi dìm thuyền ) nói về tình huống không còn đường lui phải dốc sức đánh tới cùng. Nguyên do của câu thành ngữ này là từ điển tích trong trận Cự Lộc. Quân đội của Hạng Vũ và Chương Hàm đối đầu với nhau, trận này quân Hạng Vũ chỉ có 2 vạn đệ tử binh, trong khi đó Chương Hàm có tới 30 vạn đại quân. Theo tri thức thông thường trong binh pháp, để chiếm thế thượng phong thì khi dụng binh phải tuân thủ nguyên tắc "tọa sơn hướng thủy" luôn đóng quân dựa lưng vào núi quay mặt ra sông. Thế nhưng Hạng Vũ lại làm ngược lại hoàn toàn với tri thức chính thống đó. Sau khi vượt sông Hoàng Hà ông cho ra đập hết nồi niêu ( tất cả các phương tiện hậu cần ) , đánh đắm chiến thuyền để đưa quân của mình vào cảnh tuyệt lộ trước mặt là kẻ định, sau lưng là sông sâu. Quân sĩ thấy mình không có con đường nào khác ngoài việc tử chiến xông lên giành sự sống trở nên dũng mãnh khác thường. Nhờ rơi vào cái hiểm cảnh đó mà sĩ khí toàn quân dâng cao chỉ một trận đánh tan 30 vạn quân của Chương Hàm phá được Cự Lộc. Rõ ràng là chỉ có hoàn cảnh phi thường, con người phi thường mới có những hành động phi thường được "kiến tạo" bởi trí tuệ và tri thức phi thường.

Hy vọng với những thông tin được cung cấp này các bạn sẽ tự kiến tạo cho mình những kiến thức hiệu quả cho bản thân.

P/S: Bản thân Constructivism cũng là một loại tri thức, nên nó mang đặc điểm tương đối như tinh thần của chính học thuyết này đã nêu ra ở trên. Vì thế bài này của mình cũng theo tinh thần đó, những điều mình viết ra là "kiến tạo" của mình sau khi ngâm cứu cái thuyết này, những người khác có thể có cách "kiến tạo" khác nên sẽ lý giải khác với lý giải của mình. Sự khác nhau đó không quan trọng, kiến tạo của mình cũng có thể là sự lý giải sai về Constructivism, nhưng sự đúng sai ấy cũng không quan trọng, quan trọng là "kiến tạo" mà mỗi người tạo ra ra có trở thành công cụ giúp ích cho chính người đó trong việc nhận thức và lý giải thế giới, tiếp nhận tri thức hay không. Bởi bản chất của việc học là "học để mà làm, để biết cách hưởng thụ cuộc sống theo cách hiệu quả nhất".

Bổ sung thêm một thông tin là bài này nói về Constructivism là học thuyết kiến tạo trong giáo dục thôi. Ngoài ra còn có Constructivism trong môn kiến trúc và chính trị quan hệ quốc tế sẽ không được đề cập ở đây. Ai quan tâm có thể dùng keyword này để google.
nguồn https://www.facebook.com/notes/794608127268575


Học thuyết kiến tạo, nón trải nghiệm, bốn hoàn cảnh tạo tri thức Học thuyết kiến tạo, nón trải nghiệm, bốn hoàn cảnh tạo tri thức Reviewed by Thanh Nhat Minh on 22:48 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

ads
Được tạo bởi Blogger.